Hành trình tham quan về nguồn Căn cứ Trung ương cục miền Nam
Tháng 4, Đoàn thanh niên phối hợp Công đoàn Xí nghiệp Đầu tư Xây dựng Đô Thành tổ chức hành trình tham quan về nguồn
Tháng 4, Đoàn thanh niên phối hợp Công đoàn Xí nghiệp Đầu tư Xây dựng Đô Thành tổ chức hành trình tham quan về nguồn.
Đích đến lần này là Căn cứ Trung ương Cục miền Nam - chiếc nôi cách mạng miền Nam ở huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Kết
hợp với các hoạt động tuyên truyền về truyền thống cách mạng và giáo dục lịch sử nhân ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm
lịch.
Tổ chức giới thiệu về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, đặt câu hỏi về lịch sử Việt Nam, truyền thống cách mạng, giao lưu văn nghệ
và đố vui có thưởng trên xe, tăng sự đoàn kết trong cán bộ công nhân viên và tạo không khí vui tươi để dường như rút
ngắn được khoảng cách địa lý của chuyến đi.
Gần 5 tiếng đồng hồ chúng tôi đến nơi. Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam nằm ở Rùm Đuôn, xã Tân Lập, huyện Tân Biên
(Tây Ninh) với diện tích 70ha; nơi đây, cách thị xã Tây Ninh 60km và cách biên giới Việt Nam - Camphuchia chỉ 3km. Sau
phong trào Đồng Khởi (1960), cách mạng miền Nam có bước phát triển mới. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng ngày
23/1/1961 đã quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam. Lễ thành lập Trung ương Cục miền Nam được tổ chức tại Mã Đà,
căn cứ đóng tại Suối Nhung (chiến khu Đ), tỉnh Đồng Nai. Đến đầu năm 1962, Trung ương Cục miền Nam chuyển về chiến khu
Bắc Tây Ninh ở Rùm Đuôn. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được giao giữ trọng trách Bí thư Trung ương Cục; các đồng chí Trần
Lương (Trần Nam Trung), Phan Văn Đáng, Phạm Văn Xô, Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt, Phạm Thái Bường, Trần Văn Quang là ủy
viên.
Đến thăm căn cứ Trung ương Cục miền Nam, được nghe thuyết minh về quá trình xây dựng và phát triển khu căn cứ cũng như
phong trào cách mạng miền Nam qua các thời kỳ. Những hiện vật đơn sơ, bình dị mà rất nhiều ý nghĩa: bàn làm việc mộc mạc
của đồng chí Nguyễn Văn Linh, những cuốn sổ ghi công tác với nét chữ nắn nót, chiếc bình toong, đài National cũ kỹ; rồi
chiếc bật lửa được làm bằng vỏ quả lựu đạn, chiếc lược được làm từ mảnh xác máy bay Mỹ… Tất cả như tái hiện lại một giai
đoạn đấu tranh gian khó, hào hùng của lịch sử cách mạng miền Nam.
Lịch sử cách mạng miền Nam đã ghi những trang vàng đối với những chiến công anh dũng, thầm lặng mà hiển hách của nhân
dân ta. Trong kháng chiến chống Mỹ, ở Tây Ninh có một ấp chỉ có 621 nhà, với 2.815 dân mà từ già đến trẻ đều đi làm giao
bưu vận cho Miền và tỉnh. Đó là ấp An Phú, xã An Trinh (huyện Trảng Bàng). Suốt 5 năm trời (1961-1966), người dân ấp An
Phú đã bí mật đào 7 căn hầm lớn để trung chuyển 5.400 tấn vũ khí và lương thực, đào 200m kênh mương để vận chuyển bằng
thuyền, đưa rước trên 2.000 lượt cán bộ… Tỉnh Tây Ninh đã xây dựng “Nhà truyền thống B10-B12 - giao bưu vận tỉnh Tây
Ninh” để ghi nhận công lao của những người nông dân thầm lặng, những chiến sỹ bưu vận quả cảm đã góp phần to lớn trong
cuộc kháng chiến oanh liệt của cách mạng miền Nam.
Về thăm căn cứ Trung ương Cục miền Nam hôm nay, chúng ta được đến thăm nhà ở và làm việc của các đồng chí: Nguyễn Văn
Linh, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt… Những căn nhà đơn sơ, được lợp bằng lá “trung quân” - một loại lá ở rừng
Tây Ninh, bản to và dài gần bằng lá nón, rất bền và chắc. Cùng với các nhà lưu niệm là các di tích: bếp Hoàng Cầm nấu
không khói, hệ thống công sự, hầm chữ A, giao thông hào được bố trí liên hoàn… Và bên cạnh nhà truyền thống, chúng tôi
thấy cột ăng-ten vươn lên giữa trời xanh: Trạm phát sóng di động của Viettel đã được xây dựng ở căn cứ Trung ương Cục
miền Nam - nối liền hệ thống thông tin di động cho khách tham quan. Kể từ năm 1962, khi hình thành khu căn cứ Trung ương
Cục miền Nam, đã hơn 50 năm trôi qua. Về thăm căn cứ Trung ương Cục miền Nam, chúng ta càng hiểu hơn truyền thống cách
mạng vẻ vang của quân và dân miền Nam, truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc. Truyền thống đó, đang được các thế
hệ trẻ hôm nay phát huy, tiếp bước…
23/05/2013